Vịnh Hạ Long
Vịnh Hạ Long là một vịnh nhỏ thuộc phần bờ tây vịnh Bắc Bộ tại khu vực biển Đông Bắc Việt Nam, bao gồm vùng biển đảo của thành phố Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh.
Là trung tâm của một khu vực rộng lớn có những yếu tố ít nhiều tương đồng về địa chất, địa mạo, cảnh quan, khí hậu và văn hóa, với vịnh Bái Tử Long phía Đông Bắc và quần đảo Cát Bà phía Tây Nam, vịnh Hạ Long giới hạn trong diện tích khoảng 1.553 km² bao gồm 1.969 hòn đảo lớn nhỏ, phần lớn là đảo đá vôi, trong đó vùng lõi của vịnh có diện tích 335 km² quần tụ dày đặc 775 hòn đảo. Lịch sử kiến tạo địa chất đá vôi của vịnh đã trải qua khoảng 500 triệu năm với những hoàn cảnh cổ địa lý rất khác nhau; và quá trình tiến hóa carxtơ đầy đủ trải qua trên 20 triệu năm với sự kết hợp các yếu tố như tầng đá vôi dày, khí hậu nóng ẩm và tiến trình nâng kiến tạo chậm chạp trên tổng thể.[1] Sự kết hợp của môi trường, khí hậu, địa chất, địa mạo, đã khiến vịnh Hạ Long trở thành quần tụ của đa dạng sinh học bao gồm hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới và hệ sinh thái biển và ven bờ với nhiều tiểu hệ sinh thái.[2] 17 loài thực vật đặc hữu[3] và khoảng 60 loài động vật đặc hữu[4] đã được phát hiện trong số hàng ngàn động, thực vật quần cư tại vịnh.
Cảnh quan
Vùng di sản trên vịnh Hạ Long được thế giới công nhận (vùng lõi) có diện tích 434 km², như một hình tam giác với ba đỉnh là đảo Đầu Gỗ (phía Tây), hồ Ba Hầm (phía Nam) và đảo Cống Tây (phía Đông), bao gồm 775 đảo với nhiều hang động, bãi tắm. Vùng kế bên (vùng đệm), là di tích danh thắng quốc gia đã được bộ Văn hóa Thông tin Việt Nam xếp hạng từ năm 1962. Địa hình Hạ Long là đảo, núi xen kẽ giữa các trũng biển, là vùng đất mặn có sú vẹt mọc và những đảo đá vôi vách đứng tạo nên những vẻ đẹp tương phản, kết hợp hài hòa, sinh động các yếu tố: đá, nước và bầu trời.
Các hang động nổi tiếng
Không chỉ những biến đổi của những đảo đá màu xanh đen trên mặt nước biếc vùng vịnh hấp dẫn du khách, trên những chiếc thuyền dơi màu nâu đỏ xuất phát từ bến tàu Hạ Long bắt đầu hành trình ngoạn cảnh, những khám phá lại tiếp tục khi du khách lên đảo, thăm thú những hang động ẩn chứa nhiều chứng tích lịch sử. Những hang động tại Hạ Long, theo các nhà thám hiểm địa chất người Pháp, khi nghiên cứu về vịnh Hạ Long đầu thế kỷ XX, khẳng định rằng hầu hết trong số chúng đều được kiến tạo trong thế Pleistocen kéo dài từ 2 triệu đến 11 ngàn năm trước, nằm trong 3 nhóm hang ngầm cổ, hang nền carxtơ và các hàm ếch biển.
Năm 1962, vịnh Hạ Long được Bộ Văn hóa-Thông tin Việt Nam xếp hạng di tích danh thắng cấp quốc gia với diện tích 1553 km² bao gồm 1969 hòn đảo.[9]
Các đảo trong vùng vịnh Hạ Long được quy hoạch là khu bảo tồn các di tích văn hoá-lịch sử và cảnh quan quốc gia, theo Quyết định Số 313/VH-VP của Bộ Văn hoá-Thông tin Việt Nam ngày 28 tháng 4 năm 1962 (ADB 1999). Các đảo này cũng có trong danh sách các khu rừng đặc dụng theo Quyết định Số 194/CT, ngày 9 tháng 8 năm 1986 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ).
Năm 1995, vịnh Hạ Long, cùng với đảo Cát Bà, được Phân viện Hải dương học Hải Phòng đề nghị đưa vào danh sách hệ thống các khu bảo tồn biển.
Nhận xét
Đăng nhận xét